Bài viết này tổng hợp các câu hỏi mình nhận được về quá trình apply Thạc sĩ và học bổng. Nếu bạn có thêm câu hỏi khác, có thể comment phía dưới và mình sẽ update trực tiếp tại bài viết này luôn nhé.
Có cần GPA cao, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học để nộp Thạc sĩ/học bổng hay không?
Tuỳ chương trình sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau. Đối với các chương trình Thạc sĩ ứng dụng, GPA cao hay kinh nghiệm nghiên cứu có thể không phải là ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó là kinh nghiệm làm việc, hiểu biết về industry (thể hiện qua bài luận). Đối với các chương trình Thạc sĩ nghiên cứu như MRes, MPhil, năng lực học thuật xuất sắc là yếu tố tiên quyết.
Tương tự với các học bổng, mỗi học bổng sẽ có tiêu chí khác nhau. Có học bổng ưu tiên người có kinh nghiệm làm việc lâu năm, kinh nghiệm lãnh đạo, tạo tác động xã hội. Có học bổng ưu tiên người trẻ, tiềm năng trong một số lĩnh vực cụ thể. Có học bổng cho các nhóm ngành ưu tiên. Cũng có học bổng mở cho ứng viên từ bất kỳ ngành học nào.
Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất ở đây là bạn biết mình có gì để từ đó xác định các chương trình phù hợp để tăng khả năng cạnh tranh. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng 😉
Làm thế nào để biết chương trình học đó có phù hợp với mình hay không?
Bạn có thể xem qua các module học, career path của alumni (stalk LinkedIn), giảng viên của khoa có kinh nghiệm trong lĩnh vực gì. Ví dụ đối với các bạn làm nghiên cứu sẽ cần quan tâm research interest của giảng viên có phù hợp với topic mình dự định nghiên cứu hay không. Các bạn làm industry có dự định chuyển hướng hoặc đang nhắm vào các vị trí công việc cụ thể sau tốt nghiệp có thể kiểm tra xem các module học có cung cấp kiến thức cần thiết cho sự chuyển hướng của mình hay không.
Các bạn dự định ở lại làm việc sau tốt nghiệp nên cân nhắc thêm employability của khoa/trường, industry network của khoa, khoa có hay tổ chức các buổi nói chuyện với người làm trong industry không, module học có các dự án làm việc trực tiếp với clients hay không. Nếu có hết là a super plus :))))
Khi nào thì nên đi học tiếp?
Nếu bạn cần tìm một hướng đi mới, bổ sung năng lực chuyên môn (mà các hình thức như khoá học ngắn không giải quyết được), tìm kiếm cơ hội phát triển mới thì đi học tiếp là một lựa chọn rất đáng thử. Ngoài kiến thức, tấm bằng Thạc sĩ có thể mở ra cho bạn những cơ hội mới trong sự nghiệp, kết nối với những con người mới. Truyền thuyết đô thị quy đổi 5 năm kinh nghiệm đi làm tương đương bằng Thạc sĩ (học trong 1-2 năm) nên đôi khi, lựa chọn này cũng là một chiến lược để rút ngắn lộ trình thăng tiến (nhưng mình khá chắc đời không như là mơ vì dạo này, khá nhiều người có bằng Thạc sĩ, thậm chí là Thạc sĩ nước ngoài). Nên, năng lực thật sự vẫn quan trọng nhất, bằng cấp đôi khi chỉ là vé thông hành thôi. Tóm lại, nếu bạn cần kiến thức + cơ hội mới thì đi học là lựa chọn nên cân nhắc.
IELTS* càng cao càng tốt đúng không?
Không. IELTS vừa đủ hay cao hơn nữa cũng không làm hồ sơ bạn cạnh tranh hơn. Thực tế, IELTS chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong hồ sơ, chủ yếu để admission đánh giá xem bạn có đủ năng lực tiếng Anh để theo học chương trình của họ hay không. Trừ một số trường hợp hiếm hoi hoặc đặc thù, chương trình yêu cầu IELTS càng cao càng có lợi thế. Trong trường hợp này, họ sẽ thể hiện rõ ở tiêu chí.
Hầu hết các chương trình còn miễn chứng minh năng lực tiếng Anh (English proficiency test waiver) cho các bạn tốt nghiệp các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Một số chương trình học bổng không yêu cầu chứng chỉ năng lực tiếng Anh như Chevening. Một số không yêu cầu ở vòng đơn. Bạn có thể nộp bổ sung sau khi nhận conditional award hoặc trước một vòng nào đó trong quá trình apply.
*Không chỉ riêng IELTS, điều này đúng với các loại chứng chỉ khác.
—
Bài viết tạm thời kết ở đây. Từ bây giờ đến tháng 09 năm nay, mình open với các buổi online talk 1:1 với bạn nào cần hỗ trợ thêm để apply năm nay nên mọi người thoải mái nhắn cho mình nếu cần nha.